Ông Ngô Văn Mỹ (thị xã La Gi, Bình Thuận), người vừa đầu tư cặp tàu công suất hơn 1.000 CV/chiếc với tổng trị giá hơn 6 tỉ đồng, cho hay đang rất lo lắng chẳng biết có thu lại được vốn đầu tư hay không trong tình hình chi phí đầu vào, đặc biệt là giá dầu tăng quá cao thời gian qua. Dù vẫn băn khoăn về quyết định đóng tàu của mình nhưng ông Mỹ cho biết là một ngư dân, việc bám biển kiếm sống đã “ăn vào máu”. Một số ngư dân tại Phước Tỉnh cho biết sau khi trắng tay với nghề cá, họ vẫn quay lại làm thuê tại một số tàu cá khác, một cách vừa để kiếm sống vừa đỡ nhớ biển.
Ông Huỳnh Văn Cáo, chủ một tàu cá 600 CV vừa được nâng cấp mới tại cơ sở đóng tàu Hải Nam (TP Rạch Giá, Kiên Giang), cho biết mặc dù hoạt động đánh bắt xa bờ ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn, nhưng các cơ sở đóng tàu trên địa bàn vẫn luôn nhộn nhịp. Chẳng hạn, hiệu quả đánh bắt của ba cặp tàu của gia đình ông Cáo trong những chuyến biển đầu năm không thật sự lạc quan, nhưng gia đình ông vẫn quyết định đầu tư một số tiền khá lớn để mở rộng thêm đội tàu.
“Nghề biển bạc lắm, nhưng ngư dân vùng biển tụi tui phải bám biển kiếm sống. Mà nếu không bám biển thì cũng chẳng biết làm nghề gì!” - ông Cáo nói.
Ông Cao Xuân Tiều, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết mặc dù số lượng tàu cá đóng mới tại địa phương này có xu hướng giảm dần trong hai năm gần đây, nhưng số lượng bình quân cũng dao động 70-80 chiếc mỗi năm. Theo số liệu thống kê của Phòng đăng kiểm và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP Rạch Giá, bình quân mỗi năm địa bàn này có ít nhất 10 tàu cá đánh bắt xa bờ với công suất lớn được đóng mới. Đặc biệt, tổng giá trị đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cá để đánh bắt xa bờ trên địa bàn TP Rạch Giá mỗi năm lên tới hơn 500 tỉ đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét