Ông Trà Văn Bé, một ngư dân tại Phước Tỉnh, cho biết khoảng mười năm về trước, thời điểm đánh bắt xa bờ bắt đầu được đầu tư rầm rộ, Phước Tỉnh được mệnh danh là “xã giàu nhất VN” với nhiều ngư dân liệt vào hạng tỉ phú khi có trong tay đội tàu trị giá từ vài tỉ lên tới hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều “tỉ phú” của ngày xưa hiện đã trắng tay do liên tục thua lỗ. “Càng đầu tư lớn, số lượng tàu càng nhiều thì thua lỗ càng nặng” - ông Bé nói.
Theo ông Bé, chi phí cho mỗi chuyến biển ngày càng tăng, hiện nay dao động từ 800 triệu - 1 tỉ đồng/cặp tàu, nhưng ra khơi thì ngư dân đối diện với rủi ro về thiên tai và ngư trường, còn vào bờ lại gặp khó về đầu ra của sản phẩm. Chỉ cần một vài chuyến thua lỗ, sản lượng đánh bắt ít và giá cả bất lợi, vốn ban đầu sẽ bị hao hụt dần. Thậm chí nhiều ngư dân đưa tàu ra đánh bắt tại khu vực chồng lấn, bị lực lượng kiểm soát nước ngoài bắt giữ, không chỉ mất cả tàu mà còn phải kiếm tiền chuộc ngư phủ về. Thế nhưng, ngư dân không thể để tàu nằm bờ, trừ trường hợp không đủ khả năng lo tổn phí đi biển, vì càng nằm bờ càng thua lỗ nặng hơn do chi phí trả lãi ngân hàng và tàu ngày càng xuống cấp.
Cũng khá tâm tư về nghề biển, ông C. - một ngư dân tại Phước Tỉnh - cho biết mặc dù nghề biển của ngư dân trải qua nhiều thay đổi nhưng hàng chục năm nay, hoạt động tiêu thụ sản phẩm của ngư dân vẫn phụ thuộc vào đầu nậu, theo kiểu may nhờ rủi chịu. “Tôm cá đánh bắt và đưa vào bờ rồi, đầu nậu kêu giá nào cũng phải chấp nhận, cao giá thì được nhờ mà giá thấp cũng phải cắn răng chịu lỗ. Nếu không bán sản phẩm cho đầu nậu, chẳng lẽ ngư dân đem sản phẩm đi đổ sông đổ biển...” - ông C. nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét